
Hà Nội, ngày 10/04/2025 – Tại hội trường Đại học Văn hóa Hà Nội, sự kiện tọa đàm “Định hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xuất bản phẩm” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên ngành Xuất bản – Phát hành. Trong không khí sôi nổi và chân thành, hai diễn giả là cựu sinh viên của khoa – ông Đỗ Kim Cơ, Giám đốc Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam, và bà Nguyễn Thùy Dương, Giám đốc Công ty Thương mại và Phát triển Phúc Minh (Phúc Minh Books) – đã mang đến những câu chuyện nghề đầy cảm hứng.
Từng là sinh viên khóa 6 của khoa, ông Đỗ Kim Cơ chia sẻ câu nói tâm huyết ông vẫn thường mang theo mỗi lần trò chuyện tại các trường: “Sự thành công của mình phải nhanh hơn sự già nua của bố mẹ. Nếu không chuẩn bị kiến thức thì thành công sẽ đến rất chậm.”
Hành trình của ông bắt đầu không phải từ đam mê, mà từ những bước đi đầu tiên của một người “chưa biết gì, chưa yêu nghề, chưa hiểu gì về kinh doanh xuất bản phẩm” khi mới ra trường và bắt đầu công tác tại Nhà xuất bản Giao thông Vận tải. Nhưng như ông chia sẻ: “Nghề chọn người”. Từ công việc đầu tiên là người dàn trang – làm mỹ thuật để cuốn sách trở nên đẹp mắt và dễ đọc hơn – ông dần yêu nghề lúc nào không hay.Anh Đỗ Kim Cơ chia sẻ về quá trình trình học tập tại trưởng và khởi nghiệp của bản thân.
( Nguồn Trithuctrebooks)
Ông không xem công việc xuất bản là một công việc đơn thuần, mà gọi đó là "nghiệp" của mình. “Tôi yêu nó lắm,” ông nói. “Làm sách đem lại cho tôi vô vàn điều tuyệt vời.” Với triết lý quản trị đầy tính nhân văn, ông không gọi những người làm việc cùng mình là “nhân viên”, mà là “người đồng hành”. Dù ở bất kỳ vị trí nào, họ cũng được đào tạo để hiểu toàn bộ quy trình xuất bản một cuốn sách – từ ý tưởng, biên tập, thiết kế đến phát hành.
Hành trình khởi nghiệp của ông không bắt đầu bằng những dự án hoành tráng mà từ công việc nhỏ nhất – dàn trang. Nhưng chính từ đó, ông từng bước tiếp cận với biên tập, tác giả, các đối tác, và thị trường xuất bản đang thay đổi không ngừng. Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức mở cửa, ông nhận thấy bản thân phải “nâng cấp” mỗi ngày để thích nghi với xu hướng mới và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành nghề.
Từ sách, ông chuyển hướng mở rộng sang lĩnh vực di sản, văn hóa – lịch sử, với mong muốn lan tỏa đến thế hệ trẻ tình yêu với lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật Việt Nam. "Sách là cầu nối để tôi đến gần hơn với giá trị văn hóa dân tộc," ông chia sẻ.
Trả lời câu hỏi của sinh viên về thất bại trong khởi nghiệp, ông thẳng thắn kể về cuốn Gương phong tục – một sản phẩm tuy thất bại về doanh số nhưng lại là bước đi giúp thương hiệu của ông được nhận diện rõ hơn trên thị trường. Với ông, thất bại là một phần tất yếu, miễn là sau mỗi lần vấp ngã, chúng ta lại học được điều gì đó quý giá.
Tác phẩm “ Gương Phong Tục” – đánh dấu thành công trong việc nhận diện thương hiệu trên thị trường xuất bản của ông Đỗ Kim Cơ. (Nguồn Trithuctrebooks)
"Tôi vốn không phải người hay đọc sách, nhưng có những thời điểm, bắt buộc phải đọc. Và chính nghề xuất bản đã khiến tôi thay đổi." Qua nghề, ông nhận được không chỉ kiến thức, kinh nghiệm, mà cả những mối quan hệ quý báu.
Kết thúc buổi tọa đàm, ông Đỗ Kim Cơ nhắn nhủ đến các bạn sinh viên: “Hãy chủ động xin trải nghiệm. Chỉ khi thực sự va chạm, bạn mới hiểu mình hợp gì, yêu nghề đến đâu và có sẵn sàng dấn thân không.”
Ông Đỗ Kim Cơ chụp ảnh cùng toàn thể sinh viên khoa Xuất bản – Phát hành tại Tọa đàm “Định hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xuất bản phẩm” – Đại học Văn hóa Hà Nội.
( Nguồn Trithuctrebooks)
Buổi tọa đàm đã khép lại, nhưng hành trình của những người làm sách sẽ còn tiếp tục mạnh mẽ để lan tỏa tri thức đến mọi độc giả Việt.
Viết bình luận