Dưới chân cầu Long Biên
Ảnh: Tác giả Đông Di và "Những đứa con của cây cầu Long Biên"
Dưới chân cầu Long Biên
Trong suy nghĩ của nhiều người khi nghe nói về Hà Nội thường liên tưởng tới hình ảnh công trình kiến trúc Nhà hát Lớn, nhà Bác Cổ, phố Tràng Tiền và cũng thường có niềm tin là Hà Nội thủa xưa hào hoa, thanh lịch được tính từ năm 1911 khi thành phố đang hình thành một tầng lớp trí thức mới, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn và nền văn hoá Pháp.
Thành phố của những chàng trai sẽ luôn vận complet, áo trắng cổ cồn là ủi phẳng phiu, sạch sẽ đóng bộ cùng cà vạt, giầy Tây sáng bóng mỗi khi ra khỏi nhà, Hà Nội của những thiếu nữ luôn thướt tha với những tà áo dài, đầu tóc chải gọn gàng, dung nhan tươi cười mỗi khi ra ngoài phố.
Nhưng Hà Nội trong mắt tôi là Hà Nội của thời sau chiến tranh, nơi có những dòng người xếp hàng nối đuôi nhau từ sáng sớm tinh mơ trước cửa hàng lương thực ở phố Hàng Chiếu hay khu bán thực phẩm mậu dịch ở chợ Đồng Xuân, nơi cất giữ giấc mơ của một đứa trẻ về một cái Tết Trung thu sẽ được ăn trọn vẹn một nửa cái bánh nướng, một nửa cái bánh dẻo.
Hà Nội của tôi là không gian thênh thang, nơi những bàn chân trần thỏa sức chạy nhảy tung tăng trên những vỉa hè, góc phố. Những bàn chân trần ấy, tuy đen nhẻm, lấm láp nhưng rất rộn ràng và hạnh phúc, bởi Hà Nội vào thời đó thật thanh bình, đường phố rợp bóng cây, xe cộ qua lại thưa thớt, trong không gian vắng lặng của những buổi trưa và chúng tôi, chính là những chủ nhân thật sự của phố phường vào lúc này.
Mùa hè tới, tụi trẻ con chúng tôi không phân biệt lớn bé, cao thấp hay giới tính sẽ tụ họp nhau lại, lốc nhốc theo nhau ra chiếm cứ lấy đầu cầu Long Biên. Khoảng không gian dưới chân cầu Long Biên là thiên đường của chúng tôi. Từ sáng sớm, chẳng đợi người lớn thúc giục, lũ trẻ trong khu phố đã lồm cồm trở dậy, vệ sinh cá nhân qua quýt, rồi chạy đi từng nhà gọi nhau ý ới, rồi cả đám kéo nhau tới khoảng sân trước cửa ga Long Biên. Ở đây,chúng tôi thường cùng nhau tập thể dục buổi sáng, tập nghi thức Đội thiếu niên Tiền phong hay chơi các trò chơi thể thao tập thể.
Đến thời gian phải ngủ trưa thì sẽ trốn nhà, trốn ngủ, hẹn hò nhau tới mọi ngóc ngách ở Bến Nứa để rình mò, hay rủ nhau leo lên cầu Long Biên đi ra bãi Giữa sông Hồng tìm vào ruộng ngô, ruộng khoai vặt trộm, rồi sẽ tìm một chỗ kín để đốt lửa nướng ngô, khoai và chia nhau ăn. Buổi tối, lại tụ tập nhau dưới gầm cầu, say sưa chơi trốn tìm, nhảy dây, nhảy ngựa, đánh chuyền, hoặc lập nhóm múa hát, đóng kịch vv...dạy cho nhau hát những bài đồng dao hay kể những chuyện ma quỷ để hù dọa nhau.
Ngày đó, những ô vòm dưới gầm đoạn cầu xây bằng đá còn chưa bị xây bịt kín, con đường chạy dọc hai bên cầu từ phía đường Trần Nhật Duật cho tới phố Hàng Giấy vẫn còn là con đường đất, mà vào những ngày trời mưa, nước mưa vẫn tụ lại thành những dòng nước nhỏ và đọng lại thành vũng loang lổ. Cái đồng hồ cột ở đầu con đường dẫn lên cầu, không biết từ khi nào chỉ làm vật trang trí vì nó chẳng bao giờ chịu nhúc nhích làm việc theo đúng chức năng nó được phân công.
Người lớn trong khu phố thì luôn than phiền rằng cái đồng hồ này là vô dụng, nhưng đám trẻ con chúng tôi thì lại rất yêu thích nó. Vì khi bị bố mẹ la mắng, vặn hỏi tại sao không nhớ giờ về nhà theo qui định thì chúng tôi sẽ lôi cái đồng hồ ra để chống chế bao biện, nhiều khi cũng đỡ được một trận đòn phạt.
Tuổi thơ của tôi gắn liền vớicây cầu Long Biên, nên nhiều khi tôi rất cố chấp trong quan điểm của mình khi tranh luận với người khác. Trong suy nghĩ của tôi, Hà Nội được tính là đô thị hiện đại kể từ năm khánh thành cây cầu Long Biên, năm 1902 và vùng đất lãng mạn nhất củathành phố chính là bãi Giữa sông Hồng.