GIẢI MÃ Ý NGHĨA HÌNH TƯỢNG 5 THẦY TRÒ ĐƯỜNG TĂNG
Tây Du Ký là câu chuyện trường thiên về hành trình qua phương Tây thỉnh kinh của năm thầy trò: Tam Tạng, Tề Thiên, Bát Giới, Sa Tăng, và con ngựa trắng.
Thông thường, người ta sơ ý, chỉ kể có bốn, quên đi con ngựa, nguyên là thái tử thứ ba, con của Tây Hải Long Vương Ngao Nhuận. Quên kể đến ngựa rồng, phải chăng vì vai trò đỡ chân cho Đường Tăng của Ngọc Long Tam Thái Tử hình như có vẻ lu mờ? Hay quên kể, vì không thấy ở Tây Du Ký tản mác ẩn ngữ nơi này, rải rác ẩn dụ nơi kia, mà ngòi bút của Ngô Thừa Ân đã ung dung viết như giỡn chơi, như bông đùa, nhưng ý hàm tàng thì rất thực.
Muốn đọc Tây Du, hiểu Ngô Thừa Ân, cần phải biết đọc giữa hai hàng chữ, nắm lấy bốn chữ "Ý tại ngôn ngoại" (ý ở ngoài lời).
Thế thì, vượt lên trên mọi hư cấu văn chương của Tây Du Ký với tài hý lộng chữ nghĩa của Ngô Thừa Ân, cuộc thỉnh kinh của Đường Tăng thực chất là chi? Đường Tăng là ai đó? Nước Thiên Trúc với chùa Lôi Âm ở đâu?
Xin thưa, mỗi một người trong chúng ta đều là Đường Tăng. Mỗi thời đại của quá khứ, hiện tại và vị lai đều có Đường Tăng, đều vẫn đã, đang và sẽ còn tiếp tục thỉnh kinh. Cuộc thỉnh kinh chính là hành trình đầy trắc trở của mỗi người trong chúng ta truy tầm chân lý.
Vậy đi về đâu để có được chân lý đó? Thiên Trúc ư? Hà xứ tại? Thưa rằng nước Thiên Trúc ấy nào có đâu xa và con đường thỉnh kinh cũng chẳng phải là hành trình từ phương Đông qua phương Tây diệu vợi. Vương Dương Minh bảo: “Vũ trụ là tâm ta; tâm ta là vũ trụ.” Ngô Thừa Ân ám chỉ: Thiên Trúc là thân ta; thân ta là Thiên Trúc. Kinh báu chùa Lôi Âm là hình ảnh tượng trưng cho chân lý, nó nằm trong tự thân nội thể con người. Cuộc thỉnh kinh vì vậy là con đường quy hướng về nội tâm của mỗi người. Trên con đường cô đơn đó, ta là Đường Tăng, và ta cũng là Tề Thiên, Sa Tăng, Bát Giới, long mã. Như vậy cuộc thỉnh kinh phải bắt buộc đủ bộ năm thầy trò. Thiếu một là không được. Nhưng năm mà một, là một con người với năm phương diện.
TÔN NGỘ KHÔNG
Tề Thiên trong tiểu thuyết Tây Du Ký tượng trưng cho trí, lý trí. Lý trí phải dẫn dắt, soi đường cho hành động. Nữ đạo diễn Dương Khiết dường như hiểu được vai trò quan trọng của Tề Thiên, thế nên trong bộ phim Tây Du Ký, Tề Thiên luôn luôn đi trước, để dẫn đầu mấy thầy trò.
Lý trí ưa nổi loạn, ngang tàng phách lối, chẳng chịu thua kém nhường nhịn ai. Cho nên Tề Thiên coi mình to ngang với Trời, và muốn lên trời xuống biển, quậy phá đều làm được tất, không chút đắn đo, chẳng hề ngần ngại.
Lý trí ưa phân biện, cho nên Tề Thiên mới có con mắt lửa tròng vàng, nhìn một cái là thấy rõ bản chất và hiện tượng, biết ngay ai đúng là căn Tiên cốt Phật, ai đậy che dáng quỷ hình ma.
Lý trí cũng thích đả phá, ưa đả kích, cho nên khí giới của Tề Thiên phải là thiết bổng (gậy sắt), để mà đập phá.
Lý trí, tư tưởng đã suy xét, đã vận động thì ôi thôi, thiên biến vạn hóa. Cho nên thiết bổng của Tề Thiên khi nặng thì nặng vô cùng, mà lúc nhẹ thì nhẹ hơn mảy lông, muốn to nhỏ ngắn dài tùy ý, nhét gọn lỗ tai cũng xong, thế nào cũng được. Đó cũng là tư duy, ngôn ngữ, lý lẽ của con người. Hay cũng nó. Dở cũng nó. Bóp méo, vo tròn đều được cả.
Với những tính cách như thế, ý trí cần phải được uốn nắn luôn luôn cho hợp với kỷ cương, khuôn phép. Tề Thiên bởi vậy phải đội kim cô; hàm ý kiềm chế cái trí, quản thúc tư tưởng không cho phóng tán.
Cái trí của con người còn có một đặc điểm là xẹt rất lẹ, phóng rất nhanh, cực nhanh. vì vậy mà truyện Tây Du bảo Tề Thiên có được phép cân đẩu vân, “mỗi cân đẩu vân đi được mười vạn tám nghìn dặm”.
Tề Thiên còn tượng trưng cho cái ý phàm, vì lẽ đó mà Tề Thiên là tay tổ ăn trộm, nhiều lần trổ tài đạo tặc chiếm bửu bối của cõi trời, cõi người và cõi quỷ.
ĐƯỜNG TĂNG
Đường Tăng là con người có lòng từ bi, nhân hậu, bao dung, có quyết tâm tu hành vượt qua muôn vàn cám dỗ.
Đường Tăng còn có tánh phàm, u mê, nhu nhược, ba phải. Đọc truyện hay xem phim Tây Du ai cũng dễ thấy ghét chàng. Một trăm lần Tề Thiên cản: “Yêu ma đấy, thầy chớ có cứu.” Và đủ một trăm lần Đường Tăng bỏ ngoài tai, cứ cứu, để rồi mắc nạn vương tai. Đó là nhận giặc làm con vì sự nhận thức của cảm tính không biết nghe theo tiếng gọi sáng suốt của lý trí.
Đường Tăng cứ lặp đi lặp lại những sai lầm của mình, và không có sai lầm nào giống sai lầm nào. Con người cũng thế, cứ đi từ sai lầm này đến sai lầm khác mà thôi, nếu không nghe theo lý trí, lương tâm mà chỉ biết chiều theo vọng tâm, tình cảm nhất thời.
Trong các đệ tử, Đường Tăng thường cưng ai nhứt? Chàng vốn tỏ ra cưng Bát Giới hơn cả. Bát Giới tượng trưng cho các bản năng dục vọng tiềm tàng trong tâm mỗi người; vậy, phải chăng chính ta, ta vốn vẫn thường có xu hướng nhắm mắt đưa chân, phớt lờ cái lẽ đúng mà nuông chiều theo thói hư tật xấu của mình?
Trong truyện Tây Du, luôn luôn xảy ra những mâu thuẫn có khi gay gắt giữa Tề Thiên và Đường Tăng, khiến cho thầy trò phải mấy phen chia lìa, thậm chí ngay khi Tề Thiên mới bái Đường Tăng làm sư phụ xong mà đã vội giận dữ bỏ đi. Đó cũng là cách biểu tượng hóa những đối nghịch giữa lý trí với tình cảm.
LONG MÃ
Con ngựa mà vua Đường cấp cho Đường Tăng bắt buộc phải chết đi, để đem thay bằng ngựa thần, ngựa rồng.
Ngựa là xác thân. Ngựa thần là xác thân cương kiện. Một tinh thần minh mẫn trong một xác thân tráng kiện. Con người đi tìm chân lý, tìm Đạo, cần có xác thân vững vàng, khỏe mạnh. Không có ngựa tốt thì Đường Tăng không tới được Lôi Âm. Người mà thể xác bịnh hoạn, tinh thần ươn hèn thì làm sao có thể quyết tâm chiến đấu để đạt tới chân lý, đạt Đạo?
BÁT GIỚI
Pháp hiệu Bát Giới do Đường Tăng đặt cho đệ tử, sau khi nghe họ Trư thổ lộ đã nhiều năm cữ kiêng không ăn tám món là "Ngũ Huân" và "Tam Yểm". Ngũ Huân (五葷) theo nhà Phật gồm năm thứ thực vật là hành, hẹ, tỏi, kiệu, củ nén. Tam Yểm (三厭) theo đạo Lão gồm ba thứ thịt động vật là chó, rùa và chim nhạn (ngỗng trời).
Trong truyện Tây Du, Bát Giới tượng trưng cho tánh tham. Tham ăn, tham ngủ, tham của cải, tham sắc dục và tham nịnh nọt cho được lợi về mình. Khí giới của họ Trư vì thế phải là đinh ba, là cào cỏ, để mà vơ vào cho nhiều, cho vừa lòng tham dục. Bát Giới là sự tập hợp những bản năng rất vật dục và tầm thường nơi con người.
SA TĂNG
Sa Tăng (沙僧) tức là ông tăng họ Sa, còn gọi là Sa hòa thượng. Sa là cát.
Trong truyện Tây Du, Sa Tăng tượng trưng cho tánh cần cù, nhẫn nại. Ngô Thừa Ân bắt Sa Tăng phải nhọc nhằn gánh hành lý là lẽ ấy. Tề Thiên mấy bận giận thầy, mấy phen đào nhiệm, từng quay về Thủy Liêm động quê xưa; Bát Giới nào có thua, đã trăm lần ngàn lượt cứ lẻo nhẻo đòi chia của, rồi mạnh ai đường nấy, chàng về cố thổ lấy vợ cho xong. Chỉ riêng có Sa Tăng suốt cuộc hành trình thiên ma bách chiết, vào yêu ra quỷ, một lòng một dạ quảy hành trang tiến tới. Không một lời thối lui. Không một lòng biến đổi. Sa Tăng là hình ảnh của tinh tấn, trì thủ, tâm bất thối chuyển. Dù khó khăn đến đâu, đã quyết rồi, thì cứ đi tới. Khí giới của Sa Tăng vì thế là bảo trượng có đầu dẹp và bén nhọn, để mà dễ dàng găm chặt vào, ghim chặt vào. Chí đã định rồi thì không biến đổi, lòng đã quyết rồi thì chẳng chuyển lay.
Trích "Giải mã truyện Tây du" - Huệ Khải (Dũ Lan Lê Anh Dũng)
Bạn đọc quan tâm có thể đặt sách tại đây
Viết bình luận