TƯ TRỊ THÔNG GIÁM: Cuốn sách gối đầu giường của doanh nhân và chính trị gia
TƯ TRỊ THÔNG GIÁM
Cuốn sách gối đầu giường của doanh nhân và chính trị gia
Tư trị thông giám, là bộ sử quan trọng hàng đầu của Trung Quốc, được viết theo thể biên niên. Nội dung của nó bao trùm một khoảng thời gian lịch sử rất dài, bắt đầu từ Chu Uy Liệt vương thời nhà Chu (403 trước Công nguyên), và kết thúc vào đời Chu Hiển Đức nhà Hậu Chu (959 sau Công nguyên), tổng cộng 1.362 năm, xuyên suốt 16 triều đại chính thống (theo sắp xếp của Tư Mã Quang). Sách được phân thành 16 kỷ, gồm 294 quyển, gồm hơn 300 vạn chữ.
Xuất phát từ mục đích viết sử để góp phần củng cố sự thống trị của vương triều, xuyên suốt tác phẩm, nội dung và hình thức của sách mang màu sắc chính trị rất rõ nét, có thể nói, đây là điều quyết định quan điểm chính trị của sách. Bộ sử này không chỉ đơn thuần là ghi chép sự kiện, mà còn thông qua các sự kiện đó, phân tích rõ đầu mối của trị - loạn - hưng - suy, phân tích thiện ác, các chính sách… từ đó đúc rút kinh nghiệm, thành tấm gương soi cho bậc đế vương thi hành đạo trị quốc. Điều ấy thật xứng với tên gọi của nó: Tư trị thông giám.
Kết cấu của cuốn Tư trị thông giám tương đối chặt chẽ. Sự việc được ghi chép theo thời gian ngày, năm, tháng, lời văn mạch lạc rõ ràng. Những sử liệu không rõ ngày thì ghi vào cuối tháng đó, những sử liệu không rõ tháng thì ghi vào cuối năm đó. Đối với những sự kiện trọng đại có liên quan đến cả một giai đoạn, thì dùng phương pháp thuật lại vắn tắt, hoặc trình bày bổ sung để giới thiệu đầu đuôi câu chuyện, cố gắng làm rõ toàn cục.
Tư trị thông giám ghi chép về rất nhiều mặt, bao gồm quân sự, kinh tế, văn hóa tư tưởng, phạm vi cực kỳ rộng lớn. Vua Tống Thần tông nói: "Cả thảy ghi chép về mười sáu triều, biên thành hai trăm chín mươi tư quyển, bày trong một gian phòng mà tóm lược được hết việc cổ kim, nội dung rộng mà chốt được yếu điểm, ghi chép tinh giản mà thuật rõ các việc, đấy cũng là tổng hợp các loại điển chương chế độ đời trước, là bộ thư tịch sâu rộng đầy đủ rồi."
Tư trị thông giám cũng chú ý ghi chép về kinh tế qua các triều đại, các chính sách về ruộng đất, lao dịch, vì ruộng đất và tô thuế là vấn đề quan trọng hàng đầu quốc gia, đặc biệt trong nền kinh tế nông nghiệp thời phong kiến. Sách ghi chép rất kỹ về “Biến pháp” của Thương Ưởng, sự trị an đời Văn đế, Cảnh đế, chế độ quân điền thời Ngụy Hiếu Văn đế… Đấy đều là những chi tiết hết sức thú vị, có giá trị nghiên cứu rất cao.
Tư trị thông giám cũng có ghi chép về các mặt tư tưởng, văn hóa. Trong sách chép chủ trương học thuật, nói về các nhân vật đại biểu của năm trường phái là Nho gia, Pháp gia, Danh gia, Âm Dương gia, Tung hoành gia, còn nói đến tư tưởng Hoàng, Lão đầu thời nhà Hán, sự độc tôn Nho gia của Hán Vũ đế, sự thịnh hành Huyền học thời Ngụy Tấn.
Trong sách cũng kể về nguồn gốc, sự phát triển của Phật giáo, Đạo giáo, những mâu thuẫn giữa Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo. Về một số phương diện khác như Sử học, Kinh học, Ấn chương học… cũng có ghi chép tương đối tường tận. Ngoài ra, còn phản ánh cả các mặt Thiên văn học, Địa lý học, Thổ mộc kiến trúc, các công trình thủy lợi…
Tư trị thông giám là bộ sử biên niên cực kỳ quan trọng của Trung Quốc, nó không chỉ cung cấp những kinh nghiệm quý báu cho giai tầng thống trị, mà còn có giá trị sử liệu rất cao. Tài liệu mà Tư trị thông giám trích dẫn vô cùng phong phú, ngoài chính sử ra, còn có 322 loại tài liệu liên quan đến dã sử, truyện trạng, phả lục... Những tài liệu cổ này đến nay phần lớn đã thất truyền, nhờ Tư trị thông giám, giới học thuật thấy lại được một phần của rất nhiều tài liệu đã mất, một phần tri thức của người xưa qua sách này được bảo tồn.
Phương thức soạn chép của Tư trị thông giám rất nghiêm cẩn, liền mạch thông suốt, lời văn giản dị trong sáng, ý tứ rõ ràng… Những điểm ấy có ảnh hưởng rất lớn đối với sử học đời sau. Ở Việt Nam, bộ Đại Việt sử ký toàn thư được thực hiện chính theo phương thức ghi chép này. Sau khi Tư trị thông giám xuất hiện, thể loại biên niên sử bắt đầu phát triển trở lại.
Tư trị thông giám là sách giáo khoa kinh điển của các quân vương cũng như quan lại thời xưa. Tuy nhiên, đối với các doanh nhân - những người tự làm chủ và điều hành doanh nghiệp - Tư trị thông giám cũng đem lại nhiều lợi ích to lớn. Ví dụ như về chữ Tín, Tư trị thông giám viết rằng: “Tín là đại bảo của bậc quân chủ. Quốc gia được bảo hộ nhờ dân, dân được bảo hộ dựa vào Tín. Không có Tín, không có cách gì sai khiến được dân, không cách gì giữ được nước. Vì thế, bậc minh quân xưa không lừa dối thiên hạ, bậc dựng bá nghiệp không lừa dối láng giềng, bậc khéo trị nước không lừa dối dân chúng, kẻ khéo trị gia không lừa dối người thân”.
Nếu đem chữ Tín này áp dụng vào văn hóa doanh nghiệp, chuyển đối láng giềng thành đối tác, dân chúng thành khách hàng, chắc chắn doanh nhân sẽ có được một bài học bổ ích.
Hiện nay, nhà sách Tri Thức Trẻ Books (Văn sử tinh hoa) kết hợp cùng với nhóm dịch giả Cổ Thư Lâu đã giới thiệu đến tập thứ tám của bộ Tư trị thông giám. Độc giả quan tâm có thể tham khảo đặt mua bộ Tư trị thông giám tại đây.